Nội quy, Quy chế Đại hội

NỘI QUY, QUY CHẾ

Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh
tỉnh Bình Định
lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2022 - 2027
_________

Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Bình Định lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2022 - 2027 diễn ra trong 2 ngày 26, 27/9/2022. Để góp phần vào sự thành công của Đại hội, Ban Tổ chức Đại hội yêu cầu các đoàn đại biểu về dự Đại hội nghiêm túc thực hiện các quy định sau:

I. NỘI QUY ĐẠI HỘI
Đại biểu dự Đại hội Chấp hành nghiêm chỉnh các Nội quy của Đại hội, cụ thể:

1. Chấp hành nghiêm túc thời gian Đại hội đề ra.
* Thời gian: 02 ngày, từ ngày 26-27/9/2022
* Địa điểm: Trung tâm Hội nghị tỉnh Bình Định
Thực hiện nghiêm giờ giấc theo chương trình chi tiết của Đại hội.
* Đại biểu dự Đại hội có mặt tại hội trường trước giờ quy định 20 phút (đối với phiên 1 và phiên 3); đối với phiên trọng thể có mặt vào lúc 06h30 để ổn định tổ chức, chuẩn bị các nội dung phục vụ Đại hội.

2. Đại biểu dự Đại hội phải đeo huy hiệu Đại hội, thẻ đại biểu do Ban Tổ chức Đại hội cung cấp.

3. Trong hội trường các đại biểu ngồi đúng vị trí quy định, không nói chuyện riêng, không đi lại tự do, không giải quyết việc cơ quan, đơn vị hay cá nhân trong quá trình Đại hội làm ảnh hưởng đến Đại hội.

4. Các đại biểu dự Đại hội tập trung để tiếp thu các nội dung của Đại hội, tích cực thảo luận tham gia các ý kiến vào nội dung, văn kiện của Đại hội các cấp và hoạt động của Đại hội. Nếu đại biểu nào có ý kiến phát biểu, phải giơ tay được Đoàn Chủ tịch đồng ý mới phát biểu. Phải chuẩn bị kỹ nội dung bằng văn bản và các hình thức phù hợp khác để phát biểu tham luận tại Đại hội khi được Đoàn Chủ tịch Đại hội cho phép, ý kiến phát biểu phải ngắn gọn, đúng trọng tâm, không trùng lặp, thời gian tham luận của mỗi đại biểu không quá 07 phút.

5. Các đồng chí Trưởng đoàn có trách nhiệm quản lý quân số của đoàn mình. Trong thời gian tiến hành Đại hội, lúc nghỉ giải lao giữa giờ, đại biểu không được tự ý đi ra ngoài phạm vi quy định, đại biểu nào có công việc đặc biệt đột xuất cần vắng mặt để giải quyết thì phải báo cáo trực tiếp và được sự đồng ý của Đoàn Chủ tịch Đại hội.

6. Các đại biểu chuyển điện thoại di động sang chế độ im lặng trong quá trình diễn ra Đại hội.

7. Các đại biểu phải giữ gìn, quản lý tài liệu được cấp phát và tư trang cá nhân. Tuyệt đối không được mang các chất dễ cháy nổ và đưa người lạ không liên quan đến Đại hội vào khu vực Đại hội. 

8. Về trang phục dự Đại hội:
- Tại phiên thứ nhất và phiên thứ ba Đại hội: đại biểu là nam giới mặc áo sơ mi truyền thống Thanh niên Việt Nam, quần sẫm màu; đại biểu là nữ giới mặc áo sơ mi Thanh niên Việt Nam, váy sẫm màu, đeo cà vạt; đại biểu lực lượng vũ trang mặc trang phục của ngành.
- Tại phiên thứ hai - phiên trọng thể Đại hội: đại biểu là nam giới mặc áo sơ mi truyền thống Thanh niên Việt Nam, quần sẫm màu, đeo cà vạt; đại biểu nữ giới mặc áo dài Đoàn truyền thống; đại biểu là người dân tộc thiểu số mặc trang phục truyền thống dân tộc mình; đại biểu lực lượng vũ trang mặc trang phục của ngành.

9. Về hình thức biểu quyết tại Đại hội: Đại hội biểu quyết các nội dung trong chương trình bằng thẻ đoàn viên của đại biểu.

II. VỀ QUY CHẾ LÀM VIỆC

1. Đoàn Chủ tịch
- Đoàn Chủ tịch Đại hội làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, quyết định theo đa số.
* Về nhiệm vụ:
- Điều hành công việc của Đại hội theo chương trình, nội quy, quy chế đã được Đại hội quyết định.
- Giới thiệu số lượng, danh sách Đoàn Thư ký; Ban Thẩm tra tư cách đại biểu để Đại hội biểu quyết thông qua.
- Quyết định việc lưu hành các tài liệu của Đại hội.
- Hướng dẫn Đại hội thảo luận và thông qua các báo cáo của Ban Chấp hành cấp triệu tập Đại hội.
- Điều hành công tác bầu cử:
+ Hướng dẫn để Đại hội thảo luận, quán triệt tiêu chuẩn, số lượng, cơ cấu việc ứng cử, đề cử Ban Chấp hành khóa mới và đại biểu dự Đại hội Đoàn cấp trên.
+ Tổng hợp danh sách những người ứng cử, đề cử và những người xin rút; xem xét, quyết định cho rút hoặc không cho rút tên đối với các trường hợp xin rút tên khỏi danh sách bầu cử; trường hợp còn nhiều ‎ý kiến chưa thống nhất thì Đoàn Chủ tịch có thể xin ý kiến quyết định của Đại hội; lập danh sách bầu cử, lấy biểu quyết của Đại hội thông qua danh sách bầu cử.
+ Giới thiệu số lượng, danh sách Ban Kiểm phiếu, Trưởng Ban Kiểm phiếu để Đại hội biểu quyết. Lãnh đạo hoạt động của Ban Kiểm phiếu.
- Giải quyết những vấn đề phát sinh trong Đại hội.
- Điều hành thông qua nghị quyết Đại hội.
- Tổng kết, bế mạc Đại hội.

2. Đoàn Thư ký
Đoàn Thư ký gồm những đại biểu chính thức của Đại hội, do Đoàn Chủ tịch Đại hội giới thiệu để Đại hội biểu quyết về số lượng và danh sách.
* Nhiệm vụ:
- Ghi biên bản Đại hội; tổng hợp ý kiến thảo luận và dự thảo các văn bản kết luận, Nghị quyết của Đại hội; trình bày dự thảo Nghị quyết Đại hội.
- Quản lý và phát tài liệu, ấn phẩm của Đại hội theo sự chỉ đạo của Đoàn Chủ tịch; tiếp nhận hoa, điện mừng, đơn thư…Thu nhận, bảo quản và gửi đến Ban Chấp hành khóa mới đầy đủ hồ sơ, tài liệu, ấn phẩm của Đại hội.

3. Ban Kiểm phiếu
- Ban Kiểm phiếu có trách nhiệm giúp việc bầu cử của Đại hội do Đoàn Chủ tịch giới thiệu, Đại hội biểu quyết thông qua về số lượng và nhân sự. Ban Kiểm phiếu gồm một số đại biểu chính thức trong Đại hội và không có tên trong danh sách bầu cử.
* Nhiệm vụ:
- Hướng dẫn nguyên tắc, thủ tục bầu cử, điều kiện trúng cử và cách thức bỏ phiếu.
- Kiểm tra, niêm phong thùng phiếu; phát phiếu trực tiếp cho đại biểu; kiểm tổng số phiếu phát ra, thu về báo cáo Đại hội; tiến hành kiểm phiếu bầu; xem xét và kết luận về các phiếu không hợp lệ.
- Xem xét và báo cáo Đoàn Chủ tịch quyết định những trường hợp vi phạm nguyên tắc bầu cử hoặc có đơn thư khiếu nại về bầu cử trong Đại hội.
- Lập biên bản kiểm phiếu, báo cáo Đoàn Chủ tịch; công bố kết quả bầu cử; niêm phong phiếu bầu và chuyển cho Đoàn Chủ tịch Đại hội để Đoàn Chủ tịch Đại hội bàn giao cho Ban Chấp hành khoá mới theo quy định.

4. Ban Thẩm tra tư cách đại biểu
Ban Thẩm tra tư cách đại biểu gồm những đại biểu chính thức, do Đoàn Chủ tịch Đại hội giới thiệu, Đại hội biểu quyết số lượng và danh sách Ban Thẩm tra tư cách đại biểu.
* Nhiệm vụ:
- Xem xét báo cáo và các tài liệu liên quan do Ban Chấp hành cấp triệu tập Đại hội cung cấp về việc chấp hành nguyên tắc, thủ tục, tình hình và kết quả bầu cử đại biểu; những vấn đề có liên quan đến tư cách đại biểu để xét tư cách đại biểu.
- Xem xét các đơn thư khiếu nại, tố cáo về tư cách đại biểu; báo cáo với Đoàn Chủ tịch để trình Đại hội xem xét, quyết định về những trường hợp không đủ tư cách đại biểu.
- Báo cáo với Đại hội kết quả thẩm tra tư cách đại biểu để Đại hội xem xét, biểu quyết công nhận.
- Hướng dẫn đại biểu Đại hội thực hiện nghiêm túc Nội quy của Đại hội.

5. Đại biểu dự Đại hội
- Về quyền của đại biểu:
+ Thảo luận, phát biểu đóng góp ý kiến của mình vào các Văn kiện trình Đại hội, biểu quyết công việc của Đại hội.
+ Ứng cử, đề cử và bầu cử cơ quan lãnh đạo của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Bình Định khóa XIV và bầu cử đại biểu dự Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022 - 2027.
+ Báo cáo, kiến nghị với Đoàn Chủ tịch những nội dung liên quan đến Đại hội và được trả lời.
- Về trách nhiệm:
+ Chấp hành nghiêm nội quy, quy chế làm việc và một số quy định cụ thể khác do Đại hội đề ra; thực hiện sự điều hành của Đại hội.
+ Nghiên cứu, đóng góp ý kiến vào các dự thảo Báo cáo trình tại Đại hội.
Toàn thể đại biểu tham gia Đại hội nêu cao tinh thần, ý thức trách nhiệm để Đại hội thành công tốt đẹp.
             BAN TỔ CHỨC ĐẠI  HỘI
 
 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây